Truyện và phim Nam yêu Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
Admin
Admin
Admin
Tổng số bài gửi : 1268
Điểm : 1517
Chất lượng : 4
Join date : 09/12/2008
Age : 40
http://lgbt.rachkien.info

Viết tiếp những ngày xưa ấy [ST] Empty Viết tiếp những ngày xưa ấy [ST]

Sun Oct 24, 2010 2:55 pm
Truyện dự thi - Mã số : TPDT0951



Cả cuộc đời, người ta cứ mải mê kiếm tìm hạnh phúc. Để đến lúc chợt giật mình nhận ra, cần dừng lại để hạnh phúc theo cách của chính mình.


--------------------------------------------------------------------------------


- Bố mẹ ạ, con sẽ không cưới Linh!

- Sao thế con? Hai đứa giận nhau à?

- Con xin lỗi, từ trước đến nay, có một điều con vẫn giấu bố mẹ. Con … con … là người đồng tính.

***


Cơn bão kéo về vào tối đó, phá tan không gian tĩnh mịch của một đêm thu Hà Nội.
“Alô, mẹ cái Linh đấy à? … Mưa lớn quá bà ạ! … Nếu bão quá chắc phải xin gia đình bên ấy hoãn ngày cưới, tôi không muốn hai đứa nó cưới trong mưa gió! …”

***

Đêm.

Vợ tôi thôi nấc nở.

Tôi nhẹ gỡ bàn tay đang đặt hờ trên ngực mình, cố không làm Loan tỉnh giấc, lặng lẽ tiến về phía ban công.

Trời vẫn không ngừng đổ mưa. Tôi thấy mờ ảo sau ánh đèn đường là cây cối đang rạp mình trong cơn gió dữ. Tôi nghe tiếng gió rít. Tôi cảm nhận được cái lạnh thấu xương và cả tâm hồn mình đang khóc oà, giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên má.


***


Mùa đông năm 1972,

Thầy(1) u(2) lo lót cho tôi đi bộ đội khi chỉ mới 16 tuổi, vì kiếp nghèo cứ mãi đuổi theo những người ít chữ. Hai mùa đông đói rét, bảy kẻ tha hương chen chúc trong cái “ổ” nhỏ sâu hun hút ở một con hẻm không tên giữa lòng Hà Nội.

Dù tôi sợ chiến tranh và cái chết, vẫn phải nuốt nước mắt lên đường, bớt một miệng ăn lớn trong gia đình, lại có thể hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, khi giữ được mạng trở về sau cuộc chiến.

Năm đó, Hà Nội tạm biệt tôi bằng mâm bánh ế của ###, bằng những giọt nước mắt của thầy u và cái nhìn ngơ ngác, tím tái trong gió lạnh của ba đứa em thơ.


---


Ở cái tuổi đang lớn, tôi bớt quắt queo dần theo những bước hành quân và bắt đầu cảm thấy những ám ảnh lạ kỳ.

Tôi nóng ran người khi tiểu đội ở trần vào những ngày nắng cháy, rạo rực khi nhìn thấy những mảng thịt da qua chiếc áo lính sũng nước vì cơn mưa rừng, và không thể không len lén nhìn đồng đội khi dừng chân tắm giặt bên suối.

Tôi mơ hồ nhận ra những cảm giác của mình là không đúng, nhưng chừng ấy không đủ ngăn tôi lén lút khám phá những cơ thể hừng hực sức sống đang nằm cạnh trong những đêm nghỉ chân.

Một lần, hai lần ... Đến lần thứ ba, tôi bị phát hiện. Họ rỉ tai nhau, lánh xa tôi, ném cho tôi những cái nhìn kinh tởm. Tôi bị anh Phong - tiểu đội trưởng lôi lên thuyết giảng một bài về “những hành vi phi đạo đức”.

Từ dạo ấy, tôi tự tách ra một góc riêng, mà thực chất, cũng chẳng ai đến gần tôi.


---


Trước khi đặt chân lên dãy Trường Sơn, tiểu đội tôi dừng lại ở một ngôi làng hẻo lánh, quân số tăng lên vì kết nạp thêm một đồng chí nghỉ lại dưỡng thương từ đợt hành quân trước – một anh sinh viên điển trai.

Tôi biết thêm về anh khi lén lắng tai nghe đồng đội bàn tán. Anh tên Hùng, sinh viên vừa tốt nghiệp, con của một cán bộ có cỡ ngoài Trung ương, mặc dù có một vé đi học Liên Xô, anh vẫn kiên quyết xin được vào chiến đấu ở miền Nam. Cảm phục anh bao nhiêu, tôi lại càng thấy xấu hổ bấy nhiêu vì cái động cơ nhập ngũ của mình.

Tôi thích để mình đắm chìm trong đôi mắt sâu thăm thẳm và nụ cười rất duyên của anh, nhưng lại chẳng dám mở miệng làm quen. Dù đôi ba lần, tôi thấy anh trầm tư nhìn tôi. Tôi sợ khi biết về tôi, anh cũng sẽ xa lánh tôi, như bao kẻ khác.

Nếu không nhờ cơn sốt rét rừng, tôi đã chẳng quen anh.

Tôi run rẩy trong một góc lều, thút thít khóc vì chẳng ai đoái hoài. Anh tình cờ đi ngang qua, rồi mặc cho mọi người thay phiên nói xấu, anh vẫn chăm sóc tôi. Vài mảnh chăn mỏng không thể giữ đủ ấm, anh ôm chặt tôi suốt đêm. Tôi mê mẩn trong vòng tay khoẻ mạnh và mùi hương đàn ông ngọt ngào từ cơ thể anh. Tôi vượt qua thử thách đầu tiên của Trường Sơn, nhờ có anh bên cạnh.

Anh với tôi thân hơn từ dạo ấy. Mặc kệ những lời xì xầm, anh giành phần lớn thời gian cho tôi khi rảnh rỗi: dạy tôi học chữ, nói đủ thứ chuyện có thể nghĩ ra, cũng có khi chỉ cùng lặng yên nghe tiếng núi rừng.


---


Trường Sơn không mãi êm đềm, tôi suýt chút nữa đã quên mất mình đang đi trong những ngày chiến tranh khốc liệt, nếu một ngày kia anh không thì thầm vào tai tôi bằng giọng nói đầy phấn khích:

- Anh đã ngửi thấy mùi bom đạn, sắp đến miền Nam rồi Nam ạ!

Tôi không dũng cảm như anh. Trận bom đầu, tôi chỉ biết chạy trối chết, tránh xa những tiếng nổ vang trời.

Lạc khỏi tiểu đội, tôi lần mò trở về khi trời vừa nhá nhem tối.

Tìm quanh không thấy anh, tôi lo lắng bước đến lán tiểu đội trưởng để báo cáo và cũng hy vọng gặp anh ở đó. Đến gần, tôi nghe thấy tiểu đội trưởng và đồng chí giao liên đang to tiếng.

- Đến giờ vẫn chưa có tin tức về đồng chí Hùng.

- Chúng ta phải tiếp tục hành quân vào đêm nay, đây là khu vực rất nguy hiểm.

- Nhưng đồng chí Hùng là con của…

- Dù là con của ai cũng vậy thôi, tôi xin nhắc lại với đồng chí, đây là khu vực hết sức nguy hiểm. Chúng ta phải đặt sự an toàn của số đông lên trên hết…

Anh vẫn đang còn đâu đó ngoài kia.

Tôi vội vã quay lại lều, vác chiếc ba lô và khẩu súng lên vai, chạy thẳng vào đêm tối trước những ánh mắt ngỡ ngàng. Tôi phải tìm anh.

Tôi chạy theo những vết cây ngã rạp dưới ánh trăng mờ. Miệng không ngừng hét vang tên anh.

Kiệt sức, quỳ thụp xuống, nước mắt đầm đìa. Rồi lại đứng lên, gắng gượng từng bước một.

Trăng càng lên cao, tôi càng tuyệt vọng. Ngồi bệt giữa rừng, tôi mãi suy nghĩ về anh.

Bất chợt, hình ảnh con suối lúc chiều hiện ra trong đầu tôi. Nếu anh bị thương, có thể anh đang ở đó.

May mắn sao, tôi tìm thấy anh nằm gục trên suối, dòng máu nóng rỉ ra từ trán.

Tôi áp tai lên ngực anh, vui mừng nghe từng nhịp tim đều đặn. Tôi băng bó lại vết thương, nhóm lửa, rồi ôm anh thật chặt để sưởi ấm.

Khi tỉnh lại, anh ôm ghì lấy tôi:

- Anh tìm được em rồi! Hứa với anh lần sau đừng chạy đi như thế nữa!
Tôi bật khóc khi biết rằng anh bị thương vì chạy theo tìm tôi:

- Anh đừng đối xử tốt với em như vậy. Em không xứng đáng.

- Vì anh ... yêu em, ngốc ạ.

Anh kéo tôi lại gần. Nụ hôn thật sâu.

Chút đê mê và thèm thuồng còn vương lại trên môi sau khi anh cướp đi nụ hôn đầu.

Tôi chợt nhận ra, anh và tôi - hai tâm hồn lạc loài tìm thấy nhau giữa Trường Sơn xanh màu lá.

- Cho anh nằm một chốc nữa được không? Anh vẫn còn thấy mệt.

Tôi đặt anh nằm xuống đùi, gạt nước mắt:

- Nhưng anh không được ngủ luôn đâu đấy, chúng ta còn phải vào miền Nam chiến đấu nữa.

Anh khẽ gật đầu trước khi thiếp đi, tay anh vẫn siết chặt lấy tay tôi.

Tôi ngồi lặng yên nhìn anh ngủ, giây phút bình yên hiếm hoi, chợt thấy hạnh phúc dâng trào tự trong lòng.

Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, dù chẳng phải vì lý tưởng cao đẹp như anh và những người lính khác.

Chiến đấu để bảo vệ anh.


---


Trớ trêu thay, tôi bị thương nặng ngay trong trận đánh đầu.

- Em phải sống nghe không! Anh nhất định sẽ tìm em khi chiến tranh kết thúc!

Giọng nói của anh xa dần. Hình ảnh cuối cùng của anh trong tôi là những giọt nước mắt nhạt nhoà trên gương mặt đầy bụi đất và những dòng máu đỏ.


---


Trở về Hà Nội, tôi không tìm được việc làm. Cùng lúc đó, bệnh tình của thầy tôi trở nặng. Thầy qua đời dù u tôi đã chạy vạy kiếm tiền thang thuốc khắp nơi.

Tháng 4 – 1975, Hà Nội ngập trong tin mừng về một ngày thống nhất đang đến gần. Có biết đâu trong con hẻm nhỏ, có một gia đình nhuộm trắng khăn tang.

Tôi cùng gia đình lăn lộn khắp Hà thành, kiếm tiền trả lãi mẹ lãi con. Trong lòng vẫn nuôi hy vọng gặp lại anh.

Thế nhưng khi Hà Nội đã sang thu, vẫn không thấy anh đến tìm tôi. Tôi đành nhắm mắt bước lên xe hoa cùng Loan – cô gái hơn tôi đến 8 tuổi, con của chủ nợ lớn nhất.

Dù những món nợ đã được trả, nhưng chưa bao giờ mùa thu Hà Nội nhuốm màu buồn đến thế.

Đêm tân hôn, hai thân xác nằm kề nhau, một nóng bỏng với những khát khao yêu đương mãnh liệt, một lạnh lẽo, vô hồn. Chiếc khăn tay trắng không được nhuộm đỏ. Cô gái tự ti chẳng dám phàn nàn, dù đôi lúc tôi thấy cô len lén khóc.

Trời phú cho Loan cái tài vun vén gia đình, cả nhà tôi không còn sống khổ. Nhưng bao năm lao lực đã khiến u ngã bệnh, u không ngừng giục tôi sinh con để bà an lòng.

Tôi thở dài, nhắm mắt làm tròn bổn phận của một thằng đàn ông.

Đêm đó, tôi thắp cho anh một nén hương rồi khép cánh cửa phòng. Trong ánh đèn vàng vọt, tôi thấy gò má Loan ửng hồng hạnh phúc. Tôi hùng hục trong điên dại, lòng nhói đau khi nghĩ về anh.

Ba mươi năm chung sống, tôi chưa một lần ngon giấc, vẫn giật mình tỉnh dậy hàng đêm vì cảm giác khó chịu khi tay Loan đặt hờ trên ngực.

Cơ ngơi và tiền của do một tay Loan gầy dựng. Sợ chồng buồn, Loan xoay xở kiếm cho tôi giấy chứng nhận cựu chiến binh để hàng tháng có vài đồng uống nước.

Tôi không tham gia vào bất cứ công việc gì trong nhà. Một phần vì chán nản, một phần vì sợ sẽ làm ảnh hưởng thằng Minh - con trai cả, tôi không muốn nó giống tôi.

Cũng may hai đứa con tôi đều thành đạt, thằng Minh chững chạc và tính cách rất đàn ông.

Sợ con quá bận rộn không có thời gian tìm bạn gái, vợ tôi đưa Minh đi làm quen với Linh, con gái của một bạn hàng. Hai đứa có vẻ hợp nhau, cười nói tíu tít suốt ngày. Minh cũng có vẻ vui hẳn ra từ dạo ấy, nhưng vẫn một mực không chịu tiến tới hôn nhân.

Tháng trước, vợ tôi tìm đủ mọi cách ép Minh phải làm đám cưới, hết khóc lóc lại giả ốm đau.

Cuối cùng, thằng Minh phải chiều lòng mẹ. Ngày cưới cũng được ấn định.

Vậy mà …


***


Buổi sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy bởi tiếng ồn ào, vợ tôi đã xuống nhà tự lúc nào.

Bậc thang cuối, tôi sững sờ nhìn người đàn ông vừa bước ra khỏi chiếc xe hơi sang trọng đậu trong sân. Là anh. Chính là ánh mắt dịu dàng của mấy mươi năm về trước. Tôi bước nhanh.

Anh mỉm cười, siết chặt lấy tôi, thật lâu.

Loan ngỡ ngàng mời anh vào nhà. Tôi ngồi đối diện anh, không nói được tiếng nào. Anh vẫn y như trong ký ức của tôi, có lẽ vì tôi không nhận ra ký ức ấy cũng già dần theo năm tháng.

Vợ tôi đon đả tiếp chuyện anh. Chẳng hiểu sao, tôi lại chen ngang bằng một câu hỏi ngập ngừng:
- Anh … anh có … vợ chưa?

Loan ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi vẫn chăm chú nhìn vào mắt anh. Anh thoáng lúng túng trong vài giây, rồi trả lời thật nhẹ:
- Rồi, tiếc là đợt này cô ấy bận, không thể ra cùng anh được.

Tôi chỉ nghe được đến đó rồi trở nên vô hồn suốt buổi sáng.

Sau bữa cơm trưa, anh xin phép cùng tôi đi thăm đồng đội cũ.

Anh đưa tôi đi loanh quanh Hà Nội, hào hứng kể cho tôi về những kỷ niệm thời sinh viên dù tôi vẫn lặng thinh.

Hơn sáu giờ chiều, anh chở tôi về khách sạn. Tôi liêu xiêu theo anh bước lên phòng.

Anh ngồi bên tôi, đặt tay lên vai:
- Em dạo này có khoẻ không?

Tôi trả lời anh bằng một câu hỏi khác:
- Anh có vợ thật không?

Anh hít một hơi thật sâu, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Là anh đã nói dối, anh vẫn sống một mình.

Tôi lao vào anh như điên dại. Nụ hôn dài có anh đồng loã càng thêm ngọt ngào. Tôi hôn lên vết sẹo cũ trên trán anh, tay lần mò mở từng cúc áo, đôi môi tham lam không ngừng dạo quanh thân thể đầy những dấu vết chiến tranh.

Hai cơ thể quyện vào nhau, viết tiếp những điều còn dang dở trong những ngày xưa cũ. Tôi lim dim mắt đón từng hơi thở của anh, cả tâm trí ngây dại trong mùi hương thân thuộc, cháy bỏng theo từng nhịp cọ xát của hai thân thể đang khao khát.

Anh đổ ập xuống người tôi, ôm siết. Tôi cuộn tròn trong vòng tay anh, hạnh phúc.

Tôi đã chờ hơn ba mươi năm để viết tiếp những dòng hạnh phúc trong trang ký ức của mình.

Tất cả như một giấc mơ.

Mà có thể chỉ là mơ vì ngay khi ấy tiếng chuông điện thoại vang lên vội vã, kéo chúng tôi trở về với thực tại.
- Bố ạ! Bố vào bệnh viện ngay nhé, anh Minh bị tai nạn rồi! – con gái tôi nức nở.

***


Anh chở tôi vào bệnh viện rồi ngồi cùng gia đình tôi trên hành lang khoa cấp cứu.

Hành lang trắng toát và thinh lặng. Xa xa, chỉ có một cậu trai đang rảo bước.

Tôi thoáng ngạc nhiên khi cậu dừng lại trước mặt mình, lễ phép trao tôi mấy chiếc bánh bao còn nóng hổi:
- Bác dùng tạm bánh bao cho đỡ đói.

- Cháu là …

- Kiên là bạn anh Minh đấy bố ạ! Người ta gọi vào máy nhà mình không được, thấy trong nhật ký cuộc gọi có số máy Kiên nên gọi báo. Sau đó Kiên mới tìm cách liên lạc được với mẹ. – Hương giải thích.

Tôi đưa mắt nhìn Kiên, lúc này đang đứng trước cửa phòng bệnh. Một cậu trai chừng 24, 25 tuổi, chắc đã vội vàng chạy đến đây ngay sau giờ làm nên bộ quần áo công sở vẫn còn thấm ướt, dù trên tay cậu nắm chặt chiếc ô màu xanh lá. Gương mặt mệt mỏi pha chút buồn bã, mái tóc rối, mắt hoe đỏ nhưng trong đôi mắt ấy ánh lên vẻ cương nghị.

Anh kéo nhẹ tay tôi, đưa mắt dọ hỏi về Kiên. Tôi khẽ gật đầu. Có lẽ Kiên chính là người yêu của con tôi.

Cô y tá trẻ bước ra thông báo về tình hình của Minh và đề nghị một người ở lại để trông nom. Kiên lên tiếng:
- Các bác và Hương cứ về nghỉ đi ạ! Để cháu ở lại trông anh Minh, chắc anh ấy cũng sớm tỉnh lại thôi. Hai bác đừng quá lo lắng!

Vợ tôi ngần ngừ nhưng lại là người đồng ý đầu tiên. Hình như cô cũng đoán ra về mối quan hệ giữa Kiên và Minh.


***


Đêm đó, cả tôi và Loan đều trằn trọc.
- Loan này, tôi có một chuyện muốn nói với mình.

- Mình cứ nói đi.

- Thực ra tôi đã giấu mình suốt 30 năm qua. Tôi …

- Mình đừng nói nữa, tôi đã biết rồi.

Tôi giật thột như đứa trẻ bị bắt quả tang làm việc xấu.
- Anh Phong, tiểu đội trưởng của mình cho tôi biết khi tôi nài nỉ làm cho mình giấy chứng nhận cựu chiến binh.

Tôi im lặng một lúc lâu.
- Tôi có lỗi với mình, không làm tròn bổn phận của một người chồng.

- …

- Nhưng còn thằng Minh, tôi không muốn nó như tôi, rồi lại làm khổ con Linh…

- …

- Giống như tôi đã làm khổ mình.

- Âu cũng là cái phận mình ạ, có lẽ kiếp trước, mình và tôi mắc nợ nhau - Loan thở dài

- …

- Nhưng như mình nói cũng đúng. Có lẽ, mình nên nói chuyện với con. Từ nhỏ đến lớn, bố con nói chuyện với nhau chẳng được mấy lần.

- Vậy là mình đồng ý chuyện thằng Minh?

Vợ tôi không nói gì. Tôi chỉ lờ mờ thấy cái gật đầu nhè nhẹ trong tối. Dường như Loan lại khóc.
- Nhưng mình à, mình đừng rời xa mẹ con tôi nhé!

- …Ừ, làm sao tôi rời xa mẹ con mình được.

Tôi kéo Loan vào lòng, cái ôm đã bớt gượng.


***

Ông Hùng:


Tôi lái xe suốt đêm qua những con phố dài lạnh lẽo. Hà Nội đã thay đổi nhiều kể từ ngày ấy – ngày tôi về tìm gặp em.

30 năm trước, tôi bỏ lại sau lưng miền Nam đang đỏ ngập cờ hoa, mặc kệ vết thương hành hạ để trở về Hà Nội, đôi khi gục ngã trên đường, lại nằm khắc khoải trong những bệnh viện. Mất hơn 3 tháng, để rồi chết lặng khi nhìn thấy em lên xe hoa. Không đủ can đảm để giành lại em, tôi vào miền Nam lập nghiệp.

30 năm lăn lộn trên đất Sài Gòn, những cuộc tình chóng vánh không đủ sưởi ấm hồn tôi. Tôi vẫn không quên được nụ cười ngây thơ, cái nhìn hờn dỗi, bàn tay nhỏ nhắn nhưng ấm áp và cả bờ vai run rẩy khóc của em những ngày trên dãy Trường Sơn.

Gặp lại em, một buổi chiều hạnh phúc, nhưng bên em còn có những người quan trọng cần được em chăm sóc.

Đã quá muộn để đặt chân vào đời em thêm lần nữa.

Đỗ xe trên con đường vắng, tôi run run gửi vài dòng tin nhắn, mắt cứ nhạt nhoà:

“Nam!

Anh chưa kịp kể với em, 30 năm trước, anh về Hà Nội vào đúng ngày em cưới. Anh chỉ biết nhìn em từ đằng xa. Để rồi đến hôm nay và suốt quãng đời còn lại, anh sẽ mãi hối hận vì đã không giành lại em từ ngày ấy.

Em đang có một gia đình, anh không thể cướp em từ tay họ.

Anh tin rằng, em sẽ tìm được hạnh phúc với vợ con, không cần anh bên cạnh.

Anh cũng sẽ tập sống hạnh phúc, bằng cách nghĩ rằng em đang yên ấm.

Chúng ta hãy chỉ là những người đồng đội cũ.

Mặc dù có một điều chưa bao giờ thay đổi.

Anh mãi mãi yêu em!”

Chú thích:

(1) Thầy : Tiếng địa phương, nghĩa là Bố
(2) U : Tiếng địa phương, nghĩa là Mẹ



-- HẾT --

Tác giả: Thím Hoàng Princein
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết