Truyện và phim Nam yêu Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
MuaHeXanh1111
MuaHeXanh1111
Tổng số bài gửi : 907
Điểm : 1252
Chất lượng : 7
Join date : 31/10/2011
Age : 34
Đến từ : tpchm
http://pchymew.net/

[ST]Lời nguyền hồ-Khải Đơn  Empty [ST]Lời nguyền hồ-Khải Đơn

Thu Dec 29, 2011 10:39 pm
Tác giả: khải đơn

Đó là ngọn nến tắt dần của một ngày vào đông
Nơi những sự sống bị tổn thương và chuyển dịch…
Gửi tặng vài cuộc đời đã mất

Tôi đã chờ đợi.
Tôi tin rằng những người già sinh ra để chờ đợi. Chính vì thế tôi luôn niệm rằng lòng mình sẽ luôn biết đợi chờ không mệt mỏi đến ngày hai đứa con trai tôi và vợ con chúng nó trở về.
Người già thấy thời gian trôi đi nhanh hơn bởi con đường cuộc sống của họ đã trôi sắp đến những khoảnh khắc tận cùng của cái hút xoáy cuộc đời. Tôi biết thế bởi thế giới chung quanh tôi, nơi ngôi làng nhỏ bé sau một cái hồ khổng lồ, đang ngày càng bé lại và ít âm vang hơn trong những chuyển động của dòng nước muôn đời. Những người quanh tôi cũng như tôi, là những người già bé nhỏ đang cố gắng bước hết những con đường cuối cùng của sự sống mình.
Thỉnh thoảng tôi đi bộ trên con đường nhựa xanh thẳm vừa được lát hôm nào đó và mơ hồ thấy những biến động rất nhỏ của thời gian đang xảy ra. Vào một ngày, cũng trên con đường này, sẽ là một cậu bé nhỏ xíu đeo cặp sách trên vai và tung tăng chạy về nhà cùng chúng bạn. Lúc ấy, tôi ắt đã đi qua thời gian, đang mải mốt bay đâu đó trong những cát bụi ngoài cánh đồng cỏ cháy của nghĩa trang ngoài kia. Rồi mọi người sẽ qua đời nhau, rồi cát bụi sẽ là muôn đời cây cỏ, rồi sự sống tái sinh ở phút kì diệu nào đó mà chẳng ai có thể biết rõ được.
Và rồi tôi thấy mình tuyệt vọng… Đã năm năm rồi, không còn một tiếng cười hay một hình ảnh nào của trẻ con ở làng. Tôi hầu như đã quên hẳn ấn tượng về từ ngữ “trẻ con” bên trong mình. Xa xôi chưa từng thấy. Tôi chỉ còn mơ hồ biết rằng khái niệm đó để chỉ một hình hài người chưa hoàn thiện, với chân ngắn, bàn tay nhỏ và những phần thân thể bí mật còn chưa nhú lớn. Đôi bàn tay bắt đầu đổ mồi trên da của tôi đã quên mất lần cuối cùng mình được bế một đứa trẻ trên tay là khi nào.
Làng nhiễm một lời nguyền. Bởi làng nằm ngay sau một cái hồ thiên thu khổng lồ với mặt nước cứng rắn và cô độc như mặt băng của mùa đông. Khó khăn lắm người ta mới thấy một chiếc lá lạc lõng nào đó rơi xuống và làm rúng động mặt hồ. Hồ sống trong trơ trụi của những buồn tủi cô đơn… Tôi nhớ, lời nguyền được nhắc đến bởi một người già thế hệ trước ở làng. Cái hồ buông lời nguyền rủa cả ngôi làng. Làng cũng sẽ trơ trụi như mặt hồ, cô đơn và tan hoang dần theo những làn năm tháng tuyệt vọng quét qua. Sẽ không có hồi phục. Hoang tàn là đặc điểm duy nhất mà cụm thời gian ở nơi này thường xuyên gieo vào trong đầu óc cư dân.
Thỉnh thoảng tôi quên mất làng nhiễm lời nguyền.Tôi sinh hai con trai với người vợ thân yêu nhất của mình. Những người cùng thời với tôi cũng lớn lên, yêu đương, sinh nở và nuôi dưỡng con cái họ. Cuộc sống là một hình ảnh sôi động đằng sau mặt hồ khổng lồ cô độc.
Tôi còn nhớ, một ngày nọ tôi tỉnh giấc sau cuộc đi đào cây kiệt sức của mùa đông. Lưng đau nhừ. Hai bàn tay ướt máu và xước ngang dọc. Mồ hôi túa ra âm ỉ. Chưa bao giờ tôi thấy sự im lặng dày đặc và kinh hoàng đến thế. Không còn bất cứ một tiếng trẻ con nào trong làng. Không còn bất cứ tiếng của một người thanh niên nào í ới gọi nhau trong làng. Sự từ bỏ vây bọc trong không gian chật hẹp trống vắng kinh hoàng.
Tôi nghe thấy tiếng gậy nhẹ nhàng chen vào sự tịch lặng, vợ tôi đang lò mò bước vào phòng trong sự run rẩy đến mong manh. Tôi choàng tỉnh để nhận ra mình đã già đến mức đôi bàn tay không chỉ rướm máu mà còn hết sức đau đớn trong tận khớp xương. Cơn lạnh hủy hoại da thịt, máu xương và tan vỡ trong sự bàng hoàng của chính tôi. Tuổi già ào đến như gió thoảng.
Tôi nhớ ra hai con trai mình đã lên thành phố. Chúng phải đi làm. Tôi mơ hồ nhớ điều đó như một cách giải thích hợp lí cho sự biến mất của các con trai, con dâu và các cháu .Chúng phải cùng với những người vợ khốn khổ của chúng kiếm đủ tiền để nuôi những sinh linh bé nhỏ vừa ra đời. Gà gáy lên sau nhà, vắng tanh ngắt. Không còn bất cứ một tiếng khóc trẻ thơ nào vang lên sau hiên nhà nữa. Tôi và vợ tôi có vẻ như đã già đến mức không còn đủ sức để mà cười lên hay khóc to để át đi cái tiếng gà đáng ghét đang xâm chiếm cả trời đất ấy nữa.
Từ tiếng gà gáy trưa ấy, làng dần hanh hao, dần hoang hoải, xa vời và mênh mông đến cùng tận. Ai đó mà đứng cùng tôi trên con đường làng trải nhựa xanh ngày hôm ấy sẽ hiểu rằng tôi đã không nghe thấy bất cứ âm thanh nào khác ngoài những tiếng võng kẽo kẹt đều đặn với nhịp của tàng lá đang buông boải thân mình trên cao. Không một hơi thở. Không một tiếng người. Tôi thầm cầu khấn rằng đôi chân mình, bụng mình, cổ tay mình hãy từ từ tung bay vào không gian, tôi sẽ không phải thấy mình hiện hữu giữa cái ánh sáng trong veo vàng nhạt đến đau cả mắt thế này.
Tôi thường dìu vợ vào phản, chậm chạp dùng tay cởi đôi giày cho bà rồi từ từ đưa chân của bà co lên phản để có thể ngồi ăn. Nước mắt muốn trào ra. Tôi đã nhói đau khi nghĩ rằng vào một khoảnh thời gian mơ hồ nào đó trước kia, cũng đôi tay mình, tôi nâng niu bàn chân trắng muốt nhỏ bé của bà khi bế bà lên chiếc giường đêm đầu tiên của nhau. Tôi thấy đôi chân bà mềm như miếng vải èo oặt nằm trọn vẹn trong bàn tay đầy sẹo và đốm mồi của tôi. Bà thều thào:
- Sao thằng Lượm, thằng An đi thành phố mãi chẳng về nhỉ?
Tôi im lặng, vùi mặt vào bát cơm lạt thếch như nước sông một ngày sau bão. Nếu không và thật nhanh, tôi sẽ lại để nước mắt buông vào hạt gạo. Tôi đã nghe câu hỏi và tiếng thở nặng nhọc ấy của người mẹ các con tôi trong muôn thuở những buổi sớm chiều cơm nước. Tôi không biết phải trả lời thế nào. Bởi tôi chẳng bao giờ lí giải nổi cho vợ hiểu về tiếng âm vang của lời nguyền xưa kia đang vỡ tung trên đỉnh số phận của những con người như tôi, bà và hàng trăm người khác trong ngôi làng này.
Thỉnh thoảng, buổi chiều, tôi xỏ giầy đi ra khắp ngõ. Thỉnh thoảng tôi gặp bạn mình. Buồn cười thật, chúng tôi cùng lúc lớn lên, cùng dậy thì, cùng thanh xuân, rồi yêu đương, rồi con cái, và rồi đùng một cái sau cái buổi sáng đáng nguyền rủa tôi đi rừng về ấy, tất cả đều bỗng tóc bạc phơ phơ và da thịt chảy nhễu xuống khắp các vết trên thân thể. Tất cả đều bỗng chậm rãi nhìn cuộc đời trôi qua và nhìn nhau như thể người kia là nhân chứng cùng thời đang đi với mình đến điểm chốt vô định và tuyệt đối của lời nguyền. Họ không hỏi tôi. Tôi cũng không bao giờ hé miệng hỏi ai. Lời nguyền của cái hồ câm lặng là một tất yếu đã được chấp nhận và ghi dấu không biết bao nhiêu năm từ khi chúng tôi còn thơ dại.
Tôi không thấy những cây lúa trổ đòng nữa. Sự quên lãng là một hành trình dài vô tận ở làng. Thỉnh thoảng, trên con đường đi ngõ, tôi thấy những người khác, nhưng chẳng bao giờ nhớ ra tên của họ, với những khuôn mặt quen thuộc đến đau đớn trong lòng. Mặc tượng của cuộc chia xa và vĩnh biệt trong đơn độc như thể hiện diện trong sâu kín của tất cả chúng tôi…
Tôi nghe thấy tiếng điện thoại. Cả thế kỉ rồi tôi chưa nghe điện thoại cũng nên. Tiếng con trai cả, thằng Lượm, vọng về như cả một thế giới đầy ánh sáng chợt ùa vào thân thể tôi:
- Năm nay tụi con chắc chẳng về được. Đói kém quá. Con mà về lại phải mất thêm cả sáu tháng tiền ăn của mẹ con thằng Đạt. Ba ở nhà chăm sóc mẹ nhé. Có dịp con sẽ về.
Tôi nhớ được đó là câu nói cuối cùng của nó trước khi cúp máy và sau một hành trình dài của những lời hỏi thăm đầy ái ngại và thương xót. Tôi đặt máy xuống. Gió nhà lồng lộng tuôn vào. Tim tôi như một căn buồng rộng mải miết, trống như chưa bao giờ lưu giữ một điều gì, gió ùa qua rồi sẽ trôi đi trọn vẹn. Lúa trổ đòng vĩnh viễn chết cả. Các con tôi cũng chỉ còn là một cuộc gọi điện thoại mơ hồ từ thế giới khác đổ về. Không có gì còn là sự thật. Tiếng gà gáy lại xé rẹt rẹt cái không gian cao vời vợi và sâu khôn cùng của làng thành trăm mảnh. Vài người hàng xóm ló mặt ra nhìn tôi, xa lạ, già nua, rồi quay vào nhà. Đã lâu rồi chúng tôi không còn thực sự nhớ mình là ai hay kẻ bên cạnh mình là ai.
Tôi tém chăn cho vợ. Bà nằm rệu rã trên chiếc giường nệm rộng rãi. Đột nhiên, bà nặng nhọc đưa tay lên vuốt vào má của tôi khi tôi đang chăm chỉ xem xét những nếp chăn còn xổ ra ngoài. Đó là một hơi ấm mà tôi suốt đời lúc nào cũng nhung nhớ, ngay cả trong những ngày khốn cùng nhất của hành trình đi rừng khi trai trẻ. Bà nặng nhọc thở hắt ra:
- Thằng An sẽ về Tết này thôi. Ông đừng lo…
- Ừ, tôi có lo đâu. Bà ngủ ngon.
Rồi tôi đặt mình xuống cạnh bà, nghe hơi thở của bà khò khè, nặng nhọc. Khi người ta già, ngay cả khí trời cũng trở thành cái gì đó cực kì khắc nghiệt mà phải chiến đấu mới giành được.

Trong một ngày nắng đẹp hồng như quả đào tươi rói, tôi tỉnh dậy và thấy hiên nhà vàng ươm ánh sáng, tươi như cả cánh đồng đào phai trước mùa bung nở. Tôi lại mò mẫm ra ngoài chuẩn bị một ngày mới. Nỗi buồn nhân lên hàng triệu lần khi tôi biết mình sẽ chẳng đợi ai về nữa.
Trên tấm ván bếp, một tờ giấy xé cẩu thả được chèn dưới con dao. Đôi mắt ướt nhoèn say sưa của tôi đã phải xoáy vào từng thớ của tờ giấy để đọc được nó viết những dòng sau: “Vài tuần nữa con về thăm nhà, sẽ dẫn theo cả các cháu. An”
Có lẽ lại là một lời nhắn từ ai đó ở thành phố về, hoặc ai đó cố ý làm tổn thương tuổi đợi chờ của tôi và vợ. Vài tuần nữa, dẫu sao, tôi cũng chẳng có gì để làm ngoài chờ đợi thêm vài tuần nữa.
Bây giờ, vợ tôi dành cả ngày để mơ về thế giới của thành phố. Với chúng tôi, thành phố không có trong kí ức. Thực ra, tôi cũng đã lên đấy vài lần trong thời gian đi rừng về. Nhưng tôi không lưu giữ nơi ấy vào những câu chuyện của mình. Bà vợ tôi thắc mắc về những chiếc xe to khổng lồ chứa được gần một trăm người dùng để đi lại khắp nơi trong thành phố. Bà hỏi tôi về những căn phòng, cái gác chồng lớp lớp lên nhau như trong cái tivi của làng từng chiếu. Tại sao người ta phải chồng chất thế cho khổ? Đất ở đây xây nguyên cái vườn rồi vẫn còn trống, chả biết để làm gì. Bà hỏi tôi về những con đường ngang dọc rắc rối trong thành phố mà có thời tôi từng đi lạc khi chủ đích một mình rời đám thợ đi dạo khắp nơi. Tôi thì chẳng bao giờ lí giải được những chuyện như thế, nhưng tôi thầm thì nguyền rủa nơi ấy vì nó đã đem hết những con trai và các cháu nội của tôi đi. Nó đã hút hết những gương mặt non tơ và những hình hài cường tráng vừa nhú lên khỏi sự ấu thơ, thả họ vào những guồng quay không cùng của đèn điện thâu đêm, xưởng máy không nghỉ. Các con trai tôi chắc là khi trở ra, đã rệu rã và hằn sâu trên khóe mắt những đen nhẻm hồ nghi của cuộc tranh đua vật vã nơi nhà xưởng, phố chợ. Những vệt hằn sâu và những tổn thương thơ dại. Con cái chúng tôi đi qua văn minh bằng sự trả giá khủng khiếp trong thăm thẳm tâm hồn của chúng.
Tôi ngồi gọt cái đầu cán cuốc mới. Mỗi vết bào ra lại trắng tinh, mềm mại và hãy còn tươi dịu. Tôi thầm xót xa cho thân thể trẻ trung và tươi đẹp của những cái thiên nhiên nào đó đang bị vùi dập, bởi tay tôi và hàng vạn bàn tay khác.
Con trai tôi liệu có về không nhỉ?
Tiếng dao của tôi chạm vào cán gỗ, vang thành âm gãy gọn và nông choèn. Nhưng xa thẳm. Tôi biết ngôi nhà của mình gần như đã hóa đá vì câm lặng.
Chiều đến, tôi bỏ ra đường, đi dạo và lại mơ đến hình ảnh đứa trẻ nhỏ (trẻ nhỏ thế nào thì giờ tôi chẳng hình dung được) đang đeo cặp chạy tung tăng cùng chúng bạn. Tôi cố tưởng tượng lại hình hài của Lượm, của An, của các cháu tôi trước ngày chúng biến khỏi đời tôi – có lẽ vì thành phố, hoặc vì lời nguyền của hồ.
Tôi đặt mâm cơm lên phản. Tôi cởi giày cho vợ, đặt chân bà dịu dàng lên trên. Chúng tôi ăn những bữa ăn nhạt thếch mùi phai loãng của thời gian, mọi bữa đều chỉ dành cho một cái gì đó mơ hồ, cả cuộc đời chỉ để bước vào cõi già cô cùng tiều tụy.
Tôi tém chăn cho vợ. Đặt nhẹ đầu của bà lên gối. Tôi choàng mình xuống, hôn vào trán bà. Bà lại đưa tay chạm vào má tôi.Chúng tôi hao gầy như chưa từng có sức sống thì phải? Bà nhắm nghiền đôi mắt xếp nếp nhăn, giấc ngủ trờ tới.
Tôi phải đi về phía hồ. Tôi muốn được soi bóng mình xuống cái mặt hồ quanh năm băng kín không động vì cô đơn. Tôi đang thấy cuộc đời mình trở thành cái mặt phẳng vô tri ấy, tôi muốn thấy mình sẽ như thế nào với cái hồ quen thuộc kia khi hai mặt gương phẳng lì vô cảm chạm nhau. Tôi thấy chờ đợi là sự huyễn hoặc vô hạn của một ngày trời nắng đào ửng lên. Miếng giấy của con tôi là lời hứa hẹn của thinh không. Thành phố nào đó đã nuốt chửng các trai gái thanh tân, trẻ nhỏ líu lo khỏi ngôi làng xó xỉnh nằm sau mặt hồ và chắn ngang núi này. Thành phố đèn xa hoa lắm. Ở đây, chúng tôi sống mù tối suốt đời trong những bóng cây nhòa nhạt của đêm và những nggày hiếm hoi trăng hiện.
Tôi chẳng nghĩ mình còn đủ trẻ cho sự chờ đợi không cùng.
Nên tôi đi thẳng vào mặt nước. Hồ trong veo và đen kịt bóng tối. Tôi là bản thể quên lãng cuối cùng của lời nguyền. Tôi sẽ tan thành nước.
Tôi không dám thừa nhận là mình hoảng sợ nghe tiếng gà gáy xé rách buổi ban trưa, khi chẳng một chút sức sống nào vọng lời đáp lại.
Làng không trẻ con không kẻ thanh tân thì sớm muộn cũng thành mây khói. Mà mây khói tất sẽ thành nghìn xưa cả mà thôi…

(Sưu tầm)



Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết